Kỷ niệm 15 năm Khoa Khoa học quản lý: Nội lực đến từ ngọn lửa nhiệt huyết |
Vào đúng dịp kỉ niệm 15 năm thành lập, một tin vui đến với tập thể cán bộ giảng viên, nhà khoa học, viên chức và người học của Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. Đó là, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 25/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 về việc ban hành mã số đào tạo cho chương trình Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Khoa học và công nghệ, mã số đào tạo: 9340412 và Chương trình Thạc sĩ Khoa học Quản lý, mã số đào tạo: 83404011. |
Đây là “giấy thông hành” cho các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước trong việc đào tạo các chuyên ngành này, trong đó Khoa Khoa học Quản lí là một đơn vị tiên phong trong triển khai thực hiện. Để có thêm những thông tin về hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa trong chặng đường 15 năm qua, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Trưởng khoa Khoa học Quản lý - PGS.TS Đào Thanh Trường. PGS.TS Đào Thanh Trường - Trưởng Khoa KHQL tại buổi gặp mặt các thế hệ sinh viên của Khoa - Thưa PGS.TS Đào Thanh Trường, ông có thể chia sẻ về sự khởi dựng và hình thành Khoa Khoa học quản lý, thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN? Khoa Khoa học Quản lý được hình thành và phát triển trong một môi trường đào tạo có uy tín của Việt Nam cũng như trong khu vực - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội – tiền thân là Đại học Văn khoa Hà Nội (thành lập theo Sắc lệnh số 45 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 10/10/1945), tiếp đó là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (thành lập ngày 05/06/1956). Sự ra đời của Khoa Khoa học Quản lý đáp ứng nhu cầu tất yếu về xu hướng phát triển của khoa học liên ngành tại Việt Nam. Đây là ngành học được Nhà trường sớm quan tâm, đầu tư và tạo điều kiện để phát triển, giao cho Khoa có nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu về Khoa học quản lý và đào tạo nguồn nhân lực quản lý phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Năm 1995, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bắt đầu đào tạo đại học chuyên ngành Quản lý Xã hội; năm 1999, chương trình đào tạo cao học chuyên ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ ra đời, đây cũng là thời điểm bắt đầu xây dựng chương trình đào tạo về sở hữu trí tuệ. Những thành tựu phát triển đã xây dựng những nền tảng đầu tiên cho quá trình hình thành và phát triển Khoa Khoa học Quản lý. Trước đòi hỏi của đất nước đối với nguồn nhân lực quản lý, ngày 30/9/2002, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội ký Quyết định số 652/TCCB thành lập Bộ môn Khoa học Quản lý trực thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, trên cơ sở hợp nhất Bộ môn Quản lý xã hội (thuộc Khoa Triết học) và Bộ môn Khoa học luận (thuộc Khoa Xã hội học). Ngày 11/8/2006, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ký Quyết định số 782/QĐ-TCCB về việc thành lập Khoa Khoa học Quản lý, với chức năng, nhiệm vụ chính là đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực khoa học quản lý: quản lý khoa học và công nghệ, quản lý nguồn nhân lực, chính sách xã hội và quản lý sở hữu trí tuệ. Sau 15 năm, Khoa Khoa học Quản lý không ngừng phát triển, đa dạng về ngành học, hệ đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu thực tiễn về nhân lực quản lý. - Sứ mệnh của Khoa Khoa học Quản lý là gì thưa ông? Sứ mệnh của Khoa là tiên phong gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chính sách và quản lý nhằm hướng đến những sản phẩm chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế về khoa học và giáo dục. Là một lĩnh vực khoa học liên ngành, Khoa Khoa học quản lý luôn kiên trì theo đuổi triết lý “Nghiên cứu để phục vụ đào tạo” và “đào tạo thông qua nghiên cứu”. Triết lý này được thể hiện đậm nét trong các chương trình đào tạo của Khoa, trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như hướng dẫn sinh viên thực tế, làm khoa luận, luận văn, luận án tốt nghiệp. - Quá trình phát triển nhanh và mạnh của Khoa thời gian qua hẳn phải dựa trên nội lực và những nét đặc thù. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này? Sự hình thành và phát triển của Khoa Khoa học Quản lý trong 15 năm qua là sự kết tinh tâm huyết và nỗ lực của một tập thể, trong đó không thể không nhắc tới những thế hệ tiên phong – những Người Thầy đáng kính đã và đang cống hiến tuổi đời, tuổi nghề cho ngành Khoa học Quản lý như PGS.TS Vũ Cao Đàm, PGS.TS Phạm Xuân Hằng, PGS.TS Trần Văn Hải, PGS.TS Phạm Ngọc Thanh..v.v.. PGS.TS Pham Xuân Hằng (ngồi giữa), nguyên Trưởng Khoa KHQL, Nội lực của chúng tôi có được chính là nhờ “Ngọn lửa nhiệt huyết” được trao truyền giữa các thế hệ, để Khoa Khoa học Quản lý luôn là chiếc nôi nâng đỡ những nhà khoa học trẻ phát triển năng lực chuyên môn và rèn giũa đạo đức, uy tín trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Chỉ trong hơn 10 năm (2002-2013), Khoa đã từng bước xây dựng các chương trình đào tạo cả 3 bậc: đại học, thạc sỹ và tiến sỹ trên các lĩnh vực khoa học quản lý: quản lý khoa học và công nghệ, quản lý nguồn nhân lực, chính sách xã hội, quản lý sở hữu trí tuệ và chính sách công. Trong đó, Khoa Khoa học quản chúng tôi tự hào là đơn vị đầu tiên trong cả nước đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ Quản lý khoa học và công nghệ. Khoa đồng thời là đơn vị duy nhất trong cả nước đào tạo cử nhân hướng chuyên ngành Sở hữu trí tuệ. Những thành tựu của Khoa Khoa học Quản lý đạt được hôm nay luôn có sự đồng hành, ủng hộ của Lãnh đạo ĐHQGHN, Lãnh đạo trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn qua các thời kỳ. Đây là yếu tố tiên quyết giúp chúng tôi có cơ hội hiện thực hóa những ý tưởng về phát triển các lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo trong suốt 15 năm qua và chắc chắn là cả những chặng đường sắp tới. - Đội ngũ cán bộ của Khoa hiện nay ra sao thưa ông? Khoa Khoa học quản lý hiện có 05 bộ môn và 01 Tổ Văn phòng - Tư liệu. Trưởng bộ môn - những nhà giáo - nhà khoa học và nhà quản lí giàu kinh nghiệm, tâm huyết luôn đồng hành và giúp tư vấn cho Ban lãnh đạo Khoa Khoa Khoa học quản lý trong quá trình định hướng chiến lược, triển khai các hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Khoa. Đội ngũ cán bộ cơ hữu của Khoa bao gồm 04 Phó Giáo sư, 05 Tiến sỹ; 13 Thạc sỹ , 01 Cử nhân và mạng lưới cộng tác viên đông đảo là các chuyên gia, các nhà khoa học, các giảng viên giàu kinh nghiệm. Đội ngũ nhà khoa học của Khoa cùng định hướng đa dạng hóa các hướng nghiên cứu, đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực Khoa học quản lý trong đó đẩy mạnh các công bố quốc tế; thúc đẩy giảng dạy bằng tiếng nước ngoài các học phần do cán bộ trong Khoa đảm nhiệm, đồng thời thu hút sinh viên quốc tế theo học các chương trình đào tạo của Khoa; phát triển việc làm và tinh thần khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên. Trong bối cảnh lĩnh vực khoa học và giáo dục đang hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, Khoa tiếp tục chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ, ưu tiên mục tiêu đào tạo nội bộ, tạo điều kiện để nhân lực trẻ phát triển năng lực chuyên môn, phương pháp giảng dạy và kỹ năng hội nhập quốc tế. Chúng tôi kỳ vọng, bên cạnh những thầy/cô lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm thì những đồng nghiệp trẻ sẽ là nhân tố tạo những bước phát triển đột phá, mạnh mẽ và bền vững trong tương lai, tiếp tục phát huy những thành tựu mà Khoa đã đạt được trong 15 năm qua. - Ông cho biết cụ thể về các chuyên ngành đào tạo và các hướng nghiên cứu của Khoa hiện nay? Hiện nay, Khoa đang có các chuyên ngành đào tạo về quản lý khoa học và công nghệ, quản lý nguồn nhân lực, chính sách xã hội và quản lý sở hữu trí tuệ. Mỗi chuyên ngành đều có những thế mạnh riêng. Trong đó,chuyên ngành Quản lý Khoa học và Công nghệ là chuyên ngành đào tạo duy nhất của khoa đào tạo cả 3 bậc cử nhân – thạc sỹ và tiến sỹ, thu hút các học viên trong và ngoài nước theo học. Khoa Khoa học Quản lý cũng là một trong những đơn vị đào tạo nghiên cứu và đào tạo về Sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, có những hoạt động hợp tác với Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO). Chuyên ngành quản lý nhân lực, chính sách xã hội là hai chuyên ngành có nhiều đóng góp trong đào tạo đội ngũ nhân lực chính sách và quản lý, trong đó có những học viên hiện đã và đang đảm nhiệm những vai trò quan trọng trong bộ máy hành chính Nhà nước và tại các địa phương. Năm 2016, Khoa tiếp tục xây dựng chuyên ngành Chính sách Công. Với những lĩnh vực nghiên cứu, chuyên ngành đào tạo đa dạng, phong phú, Khoa Khoa học Quản lý đã chủ trì triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học (trong đó có 06 đề tài cấp Nhà nước, 04 đề tài cấp Bộ và nhiều đề tài cấp cơ sở). - Một trong những định hướng phát triển của Khoa Khoa học quản lý là gắn kết giảng dạy – nghiên cứu – thị trường. Ông nói rõ thêm về điều này? Đây không chỉ là định hướng phát triển của riêng Khoa Khoa học quản lí chúng tôi mà còn là xu hướng đào tạo đại học nói chung. Theo tôi, sự gắn kết giảng dạy – nghiên cứu - thị trường xuất phát từ bản chất của hoạt động nghiên cứu khoa học. Có rất nhiều quan điểm khác nhau về định hướng phát triển này, điều duy nhất tôi muốn nhấn mạnh là Khoa sẽ khẳng định đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, nhưng không đánh mất bản sắc và uy tín khoa học. - Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn được coi là một địa hạt khó có công bố quốc tế. Theo ông, làm thế nào để thúc đẩy công bố quốc tế trong lĩnh vực này? Công bố quốc tế khó không chỉ đối với khoa học xã hội và nhân văn mà với nhiều lĩnh vực khoa học, bởi lẽ bên cạnh các tiêu chí như tính mới, tính chính xác, tính đặc thù ... thì khả năng ngoại ngữ là một trong những điều kiện rất quan trọng để chuyển ngữ thành công những ý tưởng khoa học của mình. Khoa học quản lý có một số thuận lợi trong công bố quốc tế vì là một khoa học liên ngành, liên bộ môn nên có thể công bố ở nhiều tạp chí liên ngành nằm trong danh mục ISI/SCOPUS. Việc tích cực tham gia các dự án quốc tế có sự tham vấn của các chuyên gia nước ngoài với vai trò là “bà đỡ” trong các giai đoạn đầu của công bố quốc tế, tích cực chủ động trong việc hợp tác với các đối tác nước ngoài trong nghiên cứu, nâng cao năng lực ngoại ngữ, chú trọng vai trò định hướng của các nhà khoa học đầu đàn, đầu ngành … là những kinh nghiệm ít ỏi của chúng tôi trong công bố quốc tế tại Khoa. - 15 năm chưa phải là một chặng đường dài song Khoa Khoa học quản lý đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong đào tạo và nghiên cứu. Hướng phát triển trong tương lai của Khoa sẽ ra sao thưa ông? Hướng phát triển tương lai của Khoa không chỉ là câu hỏi trong suy nghĩ của riêng cá nhân tôi mà có lẽ phụ thuộc vào chính kỳ vọng và sự nỗ lực tập thể của đội ngũ các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các giảng viên, học viên, sinh viên. Hướng phát triển tương lai của Khoa chắc chắn sẽ được thời gian trả lời. Thời gian tới, trong lĩnh vực đào tạo, Khoa chắc chắn sẽ tập trung tất cả các nguồn lực để thực hiện thành công Quy hoạch ngành/chuyên ngành đã được ĐHQGHN, Trường ĐHKHXH&NV phê duyệt cho Khoa trong đó chú trọng phát triển những ngành đào tạo mới, mang tính tiên phong và gắn giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học như: Cử nhân Chính sách công; Thạc sỹ Quản lý Sở hữu trí tuệ, Thạc sỹ Quản lý Biển đảo, Tiến sỹ Khoa học quản lý… Đối với nghiên cứu khoa học, Khoa vẫn sẽ tiếp tục duy trì các định hướng nghiên cứu liên ngành như hiện nay, trước hết là tập trung thực hiện thành công các đề tài cấp nhà nước hiện đã ký hợp đồng triển khai và tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đề tài nghiên cứu khoa học khác theo hướng gắn kết giữa các lĩnh vực đào tạo của Khoa với nghiên cứu khoa học. - Nhân dịp kỉ niệm này, ông có thể bày tỏ đôi điều với những sinh viên đang học tập tại Khoa? Bản thân tôi mong các sinh viên đang học tập tại Khoa Khoa học quản lí không nặng về học tập theo “hình thức” mà quên đi môi trường hội nhập đang đặt ra những thách thức về cạnh tranh cơ hội nghề nghiệp. Tôi hi vọng các bạn sinh viên sẽ mang hành trang mà các giảng viên đã truyền thụ, gợi mở và tạo cảm hứng để khởi nghiệp, tu dưỡng bằng chính kiến thức và tâm hồn chân chính, để trở thành những con người Thành – Đức – Đạt – Tài. Đó cũng chính là bài học đầu tiên mà thế hệ chúng tôi học được từ chính những người Thầy của mình trước đây – Thầy Vũ Cao Đàm, thầy Trần Văn Hải và nhiều thầy cô khác. Trân trọng cảm ơn Trưởng khoa về cuộc trao đổi vừa qua. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn