BHG - Những ngày qua, hình ảnh về cậu học trò người Mông Lầu Mí Xá, ở huyện Đồng Văn dựng lán giữa rừng đón sóng internet học online khiến nhiều người cảm phục. Trên mảnh đất Hà Giang khó khăn những ngày chống dịch Covid-19 này, ngay sau câu chuyện của Lầu Mí Xá ở trên Cao nguyên đá, giờ nhiều người lại được biết thêm hình ảnh một cậu học trò nghèo người Cờ Lao, Sú Seo Chung ở thôn Tả Chải, xã Túng Sán, huyện Hoàng Su Phì hàng ngày vượt núi tìm sóng để học trực tuyến.
Hàng ngày, Sú Seo Chung vượt 5km đường núi để ra sườn đồi gần trụ sở xã Túng Sán học online. |
Sú Seo Chung sinh năm 1998, hiện đang là sinh viên năm thứ 3, Khoa Quản lí, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội. Trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19, Seo Chung phải về quê. Tuy nhiên, với tinh thần ham học, hàng ngày cậu vẫn âm thầm vượt núi để đến nơi có sóng internet học online. Túng Sán là xã đặc biệt khó khăn của huyện Hoàng Su Phì, xã nằm trên dải Tây Côn Lĩnh có độ cao trên 2.400m. Xã có các dân tộc như Nùng, Mông, Dao, Cờ Lao sinh sống. Vượt lên nhiều khó khăn, Seo Chung đã từng bước thực hiện ước mơ học đại học của mình.
Cô Đỗ Lệ Hằng Thi, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, nơi Chung từng học 3 năm cấp III cho biết, Seo Chung là cậu học trò nghèo có nghị lực, em đã vượt qua rất nhiều khó khăn. Với sự giúp đỡ, động viên của thầy cô, bè bạn, Seo Chung đã thực hiện được ước mơ đỗ vào đại học.
Ở Sú Seo Chung có một nghị lực vượt khó rất đáng khâm phục. Cách đây 3 năm, Seo Chung là niềm tự hào của cả xã Túng Sán khi em đậu đại học. Xuống Thủ đô học, hoàn cảnh khó khăn, mỗi năm Seo Chung chỉ dám về nhà một lần để… tiết kiệm tiền cho bố mẹ. Mỗi năm, bố mẹ nỗ lực hết mức cũng chỉ cho em từ 4 – 5 triệu đồng để chi phí ăn học. May mà Seo Chung là con em dân tộc đặc biệt ít người nên em được miễn học phí. Nhưng để sống và duy trì việc học ở Hà Nội, hàng ngày sau giờ học em phải đi làm thêm những việc như bốc vác thuê, làm thuê cho nhà hàng hoặc ai thuê gì làm nấy. Thu nhập ít ỏi từ việc đi làm và sự chắt chiu hàng ngày giúp Seo Chung duy trì cuộc sống ở Hà Nội suốt 3 năm qua.
Khi dịch Covid-19 xuất hiện, tưởng như việc học phải tạm dừng thì nhà trường đã cho sinh viên học trực tuyến online. Khắc phục khó khăn, Seo Chung nỗ lực duy trì việc học hàng ngày. Mới đây, khi Hà Nội xuất hiện nhiều ca dịch Covid-19, Chung trở về quê. Trở về từ vùng dịch, Chung tự ý thức thực hiện giãn cách mọi người trong 14 ngày. Tuy nhiên, để việc học được tiếp tục, em phải tìm nơi có sóng internet. Việc này ở trên dải núi Tây Côn Lĩnh quê của Seo Chung là rất khó. Chung đã phải mất nhiều công để dò tìm. Cuối cùng cậu nghĩ ra, chỉ có ở gần trụ sở xã Túng Sán mới có sóng wifi. Thế là hàng ngày, nắng cũng như mưa, cậu kiên trì vượt 5km đường núi từ thôn Tả Chải ra gần trụ sở xã để ngồi trên đồi học online. Khi được hỏi sao em không vào xin ngồi nhờ trong trụ sở xã để học cho tiện, Seo Chung thật thà nói, không dám vào xã vì em mới về từ Hà Nội, nơi có dịch Covid-19. Sang tuần em sẽ xin vào ngồi trong trụ sở xã. Ngồi trên đồi, lúc trời tạnh ráo không sao, lúc có mưa em phải trùm áo mưa để học, mưa to quá thì phải về nhà. Tuy có sóng wifi, nhưng học trên đồi nên sóng cũng rất yếu, việc tương tác online với thầy cô cũng khó khăn. Nhưng Seo Chung cho biết, thầy cô cũng thông cảm và động viên em nhiều lắm. Cô giáo còn bảo em cố gắng duy trì việc học, có gì thầy cô sẽ chiếu cố cho.
Về phía Đoàn xã Túng Sán, anh Lý Chỉn Kinh, Bí thư Đoàn xã cho biết: Sú Seo Chung là một trong những điển hình vượt khó, mặc dù điều kiện gia đình khó khăn, nhưng Chung không cam chịu. Ở địa phương, vượt lên khó khăn để học tập như Chung cũng không nhiều. Thấy Chung ham học, Đoàn xã cũng động viên, bảo Chung vào Văn phòng Đoàn để học cho thuận tiện.
Nói về ước mơ tương lai, Seo Chung cho biết, em sinh ra ở mảnh đất khó khăn này, sau khi ra trường em mong muốn được quay trở về để cống hiến cho quê hương. Em cũng mong muốn dịch Covid-19 nhanh chóng chấm dứt để em sớm hoàn thành việc học.