Chuyển đổi số và quản trị nhân lực

Thứ tư - 09/02/2022 10:19
Đó là chủ đề của hội thảo khoa học do Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN phối hợp với Trường Đại học Thương mại tổ chức sáng nay, 22/12/2021 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự hội thảo có PGS.TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, PGS.TS Nguyễn Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại và các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về lĩnh vực chuyển đổi số và quản trị nhân lực.
Chuyển đổi số và quản trị nhân lực
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Việc chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan và là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". 
Chương trình đã xác lập tầm nhìn: Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các mô hình và công nghệ mới; đổi mới căn bản hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chương trình khẳng định: đổi mới tư duy trong quản lý kinh tế, điều hành tổ chức, quản trị nhân lực… cùng với phát triển nguồn nhân lực số là nền tảng quan trọng, góp phần đảm bảo tiến trình chuyển đổi số nhanh, hiệu quả và bền vững. Hội thảo “Chuyển đổi số và quản trị nhân lực" được tổ chức với mục đích tạo diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà quản lý trao đổi về chủ đề này.
 
IMG 9252
PGS.TS Đào Thanh Trường phát biểu khai mạc
 
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Đào Thanh Trường nhấn mạnh, điểm khác biệt và dấu ấn của hội thảo lần này là khẳng định tâm thế tìm kiếm cơ hội trong những thách thức của chuyển đổi số với quản trị nhân lực, đặt ra những định hướng, kịch bản về quản trị nhân lực của Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng 4.0. Bên cạnh bức tranh tổng quan về quản trị nhân lực, Hội thảo sẽ chia sẻ các quan điểm, tiếp cận liên ngành về các vấn đề chiến lược, chính sách của Nhà nước, các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp về chuyển đổi số trong quản lý nguồn nhân lực; chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam.
 
IMG 9263
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan phát biểu khai mạc
 
PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại) nhận định, kinh tế số hiện nay đóng góp khoảng 60% GDP toàn cầu, mở ra cơ hội phát triển kinh tế đột phá cho các nước, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, hội thảo “Chuyển đổi số và quản trị nhân lực" có ý nghĩa thực tiễn lớn. Hội thảo được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản lý lao động, quản trị nhân lực và đóng góp hàm ý chính sách đối với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, gợi mở các giải pháp bảo đảm, phát huy tối đa nguồn nhân lực cho việc chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
 
IMG 9276
Đại diện Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm
 
Sau phiên khai mạc, các đại biểu thảo luận xung quanh các nội dung chính: Lý thuyết và thực tiễn về Quản trị nhân lực thích ứng với chuyển đổi số; Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; Định hướng, chính sách của Nhà nước, ngành, địa phương thúc đẩy quản lý nguồn nhân lực chuyển đổi số...Các tham luận đã gợi mở giải pháp khoa học, hàm ý chính sách về quản lý nguồn nhân lực mới thích ứng với quá trình chuyển đổi số.
Cũng tại Hội thảo này, việc sử dụng công nghệ số với ứng dụng kết nối hàng trăm nhà khoa học, các nhà quản lý, giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh ở các địa điểm khác nhau trên cả nước để cùng bàn bạc, trao đổi về những nguyên lý, thực tiễn, giải pháp gắn với chủ đề nghiên cứu.

Tác giả bài viết: Trần Minh
Nguồn: https://ussh.vnu.edu.vn/vi/news/khoa-hoc/chuyen-doi-so-va-quan-tri-nhan-luc-21188.html

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây